Nguyễn Hải Lý (Đồng Nai)
Mụn cơm (còn gọi là mụn cóc) do Human Papilloma Virus -HPV gây nên. HPV làm tăng trưởng nhanh chóng các tế bào ở lớp da ngoài cùng, dẫn đến sự dầy sừng và tổn thương da và niêm mạc. Vị trí thường xuất hiện mụn cơm là bàn tay, ngón tay, lòng bàn chân, vùng sinh dục...
Mụn cơm (hay mụn cóc) do virut HPV gây nên.
Ở lòng bàn chân, tổn thương của mụn cơm thường là một điểm dầy sừng hình tròn sùi sâu, xuất hiện đơn lẻ, nếu chạm vào hay vận động mạnh có thể gây đau đớn.
Mụn cơm có thể tự khỏi. Trong trường hợp mụn cơm gây đau hoặc mất thẩm mĩ cần phải điều trị. Đơn giản nhất là dùng thuốc bôi phá hủy tổ chức bệnh chứa acid salicylic. Thuốc có tác dụng làm tróc mạnh lớp sừng da và sát khuẩn nhẹ khi bôi trên da, dùng để loại bỏ các hạt mụn cơm thông thường và ở bàn chân. Khi dùng, cần rửa sạch và lau khô vùng da, bôi cẩn thận acid salicylic vào mụn cơm, tránh làm rây thuốc vào vùng da xung quanh.
Nếu dùng dạng thuốc dán, ngâm mụn cơm trong nước ấm 5 phút, lau khô. Cắt miếng thuốc dán vừa với mụn cơm. Tùy thuộc vào chế phẩm, dán thuốc 2 ngày một lần hoặc dán khi đi ngủ, để ít nhất 8 giờ, bỏ thuốc dán vào buổi sáng và dán thuốc mới sau 24 giờ. Trong cả hai trường hợp, cần tiếp tục dùng thuốc có thể tới 12 tuần, cho đến khi tẩy được hạt cơm. Không nên kỳ cọ, châm chích vào mụn cơm để tránh làm HPV lây lan sang các vùng da khác và tạo thành nốt mụn mới.
Khi dùng thuốc, nếu tổn thương không đáp ứng thì cần dùng các biện pháp xâm lấn khác, như đốt laser chẳng hạn.
Tuy nhiên, để xác định bạn có chính xác bị mụn cơm hay không, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để xác định đúng bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị bệnh thích hợp cho bạn. Không nên tự ý dùng thuốc hay nghe theo mách bảo để tránh những phiền phức do việc dùng thuốc không đúng gây ra.
DS. Nguyễn Thu Giang