Showing posts with label boi-nhiem. Show all posts
Showing posts with label boi-nhiem. Show all posts

Monday, May 14, 2018

Báo SK&ĐS: Biến chứng nặng nề do kem 'làm trắng da'

Tìm kiếm bài viết SK&ĐS: Cẩm Anh, Bội nhiễm, Chà xát
Hiện nay, trên thị trường, các loại kem 'làm trắng da' rất phong phú và đa dạng được chị em phụ nữ tín nhiệm.

Nhưng đây lại là loại sản phẩm (đặc biệt là những loại kem bán trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ...) thường có chứa corticoid, có tác dụng làm da trắng mịn một cách nhanh chóng, đồng thời cũng là thành phần gây hại cho da nếu sử dụng trong một thời gian dài.

Corticoid được coi là chất “gây nghiện” trong làm đẹp. Với lời quảng cáo, khi dùng càng đẹp như “làn da em bé” và “không tỳ vết” bao nhiêu thì khi ngừng dùng, da sẽ gặp phải phản ứng phụ tệ hại bấy nhiêu. Trong y khoa, biến chứng do corticoid được đánh giá là những tổn thương da nặng nề, rất khó điều trị. Tùy vào thời gian và tỷ lệ sử dụng sản phẩm chứa corticoid, các triệu chứng của biến chứng da phụ thuộc corticoid có 7 dạng phổ biến dưới đây:

Viêm da kích ứng

Tình trạng viêm da kích ứng với những sẩn đỏ li ti nổi khắp vùng bôi sản phẩm trước đó, kèm theo ngứa, nóng, rát da với những mức độ khác nhau tùy trường hợp. Tình trạng này càng nặng nề khi gặp nắng nóng, gió bụi, hơi lạnh của phòng lạnh hay khí lạnh. Những sẩn nhỏ đỏ có thể có đầu mụn nước rất ngứa có khi chảy nước vàng, có thể nhiễm trùng thành đầu mủ trắng li ti gây đau nhức. Toàn trạng mang lại một hình ảnh viêm da toàn phát rất kích ứng và phản ứng với mọi tác động từ bên ngoài. Từ các hóa chất hiện diện trong đời sống con người như sữa tắm, xà phòng... cho đến vật lý như nhiệt, ánh sáng, sự chà xát, sự tiếp xúc cũng gây cảm giác bỏng rát...

Thông thường người bệnh lại dùng corticoid loại nặng hơn để làm dịu các triệu chứng trên. Mặc dù khi bôi corticoid thì da có vẻ lại dịu và ổn định trở lại nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ khi ngừng thuốc. Chính vì lẽ đó mà người dùng thường không thể ngưng dùng sản phẩm chứa corticoid bởi họ rất sợ phải đối mặt với những phản ứng kích ứng trên. Đây được xem là tác dụng phụ của corticoid thường gặp nhất trên da và là biểu hiện rõ nhất cho tình trạng người dùng bị “nghiện và phụ thuộc” vào loại thuốc này.

Sau sử dụng kem chứa corticoid, da chịu nhiều biến chứng nặng nề.

Da khô, dày, cứng và bong tróc

Đây là triệu chứng thường đi kèm với triệu chứng viêm da kích ứng nêu trên. Nhiều trường hợp da khô, khi sờ tay lên bề mặt da sẽ thấy rất nhám, điều này khiến tình trạng viêm da và ngứa càng thêm nặng. Trường hợp nhẹ thì da thường khô kèm theo với da dày và nhăn, nên trông da già cỗi so với tuổi. Trường hợp nặng, da khô, dày cứng và bong tróc... dễ dẫn đến bội nhiễm. Khi xử lý tình trạng này cũng gặp nhiều khó khăn hơn.

Da sạm diện rộng

Khi đã dùng kem làm trắng da có chứa corticoid sẽ nhanh chóng mang lại hiệu quả là làn da trắng mọng. Tuy nhiên khi ngừng lại thì phần da đó cũng mau chóng đen sạm và sần sùi... Nếu dùng kéo dài, đến một giai đoạn nào đó thì da sẽ bị tổn thương nặng hơn. Nhiều trường hợp sạm sâu có màu xám chì có thể có kèm theo những nốt trắng mất sắc tố.

Nám và nám sâu

Vùng nám da đậm lên nhiều, lan rộng hơn và nhiều trường hợp nám sâu nặng. Thông thường người bị nám thích dùng sản phẩm chứa corticoid để trị nám vì làm bay nám rất nhanh. Sau đó nám từ từ xuất hiện lại và loang dần ra gần hết vùng má cho đến khi ngưng dùng hẳn thì nám bộc phát nặng nề và lúc này thì rất khó có biện pháp để cải thiện được làn da.

Da sần sùi, nhiều nếp nhăn

Biến chứng da do corticoid còn gây tình trạng da già cỗi, dày và các nếp nhăn đua nhau xuất hiện, mặc dù trước đó từng mang lại cho người dùng một “làn da không tỳ vết như da em bé”. Đó là hậu quả của “vòng xoáy” khi người dùng sai lầm cứ thoa kem chứa corticoid liên tục trong thời gian dài nhằm cải thiện làn da.

Xuất hiện nhiều mạch máu dưới da

Khi sử dụng kem bôi có chứa corticoid kéo dài sẽ xuất hiện nhiều mạch máu dưới da. Lúc này nếu tình trạng nhẹ thì mạch máu nhỏ li ti xuất hiện như “mạng lưới” ở dưới da. Nặng thì mạch máu nở to ngoằn ngoèo dưới da mà mắt thường dễ dàng nhận thấy. Cả 2 trường hợp đều có triệu chứng da đỏ. Lúc này, kể cả khi đã được điều trị thì đây là triệu chứng phục hồi chậm nhất vì làm tổn thương thành mạch máu ở sâu trong da.

Da mỏng

Khi da bị bào mòn do corticoid, nó trở nên mong manh, các lớp sâu của da teo mỏng, khiến cho da lỏng lẻo và dễ nhăn nhúm như da giấy. Đây là dấu hiệu teo da do tế bào bị ức chế khả năng sinh sản trong thời gian dài sử dụng corticoid bôi. Việc ngưng dùng và tiến hành điều trị sau đó nhiều khi da rất chậm phục hồi bề dày khỏe mạnh của da như cũ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Sau khi sử dụng sản phẩm kem bôi da mà có các triệu chứng nêu trên, có nghĩa là bạn đã sử dụng phải sản phẩm có chứa corticoid và da của bạn đang phải gánh chịu hậu quả. Khi gặp các dấu hiệu này, bạn không được tự ý dùng tiếp sản phẩm hoặc tự mua kem có chứa corticoid về bôi nhằm điều trị các triệu chứng trên. Việc làm đúng đắn nhất là ngừng ngay sản phẩm kem bôi khi da mới bắt đầu có dấu hiệu nhẹ và đến các cơ sở chuyên khoa da liễu để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng do corticoid nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.

BS. Cẩm Anh

Tin tức Dinh dưỡng - Làm đẹp được tổng hợp từ báo SK&ĐS

Sunday, May 13, 2018

Báo Infonet: Viêm da, mặt lỗ chỗ đầy sẹo do nặn mụn

Tìm kiếm bài viết Infonet: Ngô Thùy Linh, VŨ THỊ, Bội nhiễm
Thói quen sờ tay lên mụn, tự nặn mụn khiến không ít người bị sẹo rỗ rất mất thẩm mỹ thậm chí bị viêm da, nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào lúc nặn mụn.

Viêm da do tự nặn mụn
Anh Nguyễn Văn H. 22 tuổi, sinh viên năm cuối trường Đại học Hà Nội luôn mặc cảm vì gương mặt lỗ rỗ sẹo do nặn mụn.
Anh H. chia sẻ từ khoảng hơn 1 năm nay anh mới bị mụn. Ban đầu chỉ có vài cái ngứa tay sờ lên mặt cảm giác gồ ghề khó chịu nên thường lấy móng tay cậy để nặn mụn và vô tình đã khiến những mụn này bị sưng lên. Anh cho rằng “trứng cá ung” kệ cứ để là sẽ khỏi nhưng tình trạng mặt lên mụn càng nhiều và những mụn “trứng cá ung” cứ xuất hiện chình ình trên mặt rất mất thẩm mỹ.
Càng sần sùi trên mặt, anh H. càng sờ và vết thương chưa đóng vảy anh lại lấy móng cào da ra. Từ 2- 3 cái mụn ban đầu chẳng mấy chốc mặt anh xuất hiện nhiều mụn trứng cá sưng tấy, đỏ rực cả mặt. Anh H. vào bệnh viện khám và điều trị rất tốn tiền nhưng không khỏi. Anh H. kể mỗi lần đi khám mua thuốc mất 1,5 - 2 triệu đồng, mỗi tháng kiểm tra một lần mà vẫn tình trạng trứng cá bọc, viêm da không khỏi.

Ảnh minh họa

Cùng trường hợp với anh H., chị Vũ Thị Q. 24 tuổi cũng khốn khổ vì viêm da do trứng cá mà nguyên nhân chủ yếu do thói quen tự nặn mụn và sờ tay lên mặt của Q. Chị Q. kể lúc dậy thì, sinh viên thì không có mụn nhưng chẳng hiểu vì sao thời gian gần năm trở lại đây mặt chị chi chít mụn.
Chị Q. thường tự nặn mụn rồi mua đủ các thứ thuốc bôi trị mụn nhưng càng bôi càng thấy mụn nhiều hơn. Chị Q. ngại uống thuốc trị mụn vì nghe nói thuốc trị mụn có thể gây vô sinh nên đành sống chung với mụn. Ai mách có kem trị mụn hay quảng cáo trên mạng là chị cũng thử dùng và kết quả không như chị mong muốn. Chị mua dụng cụ nặn mụn ở nhà về tự nặn.
Chị đi khám, bác sĩ cho biết chị bị viêm da do tự nặn mụn. Được người quen giới thiệu, chị Q. quyết tâm bỏ tiền để có thể thực hiện liệu trình nặn mụn do các chuyên gia chăm sóc da thực hiện. Qua 3 lần thực hiện nặn mụn, xông mặt và matxa chị Q. thấy da mình sáng hơn, các mụn cũ bắt đầu liền sẹo.

Những sai lầm trị mụn
Theo chị Ngô Thùy Linh – Giám đốc Spa Thu Linh – Trung Hòa, Hà Nội trị mụn mọi người thường nghĩ đơn giản nhưng thực tế nó không như thế. Nhiều khách hàng của chị Linh tìm đến các chuyên gia khi mặt đã sần sùi, viêm da, sẹo rỗ do nặn mụn bừa bãi. Nhiều người nghị bị mụn do nội tiết, do nóng gan nhưng trên thực tế, những trường hợp này không phải bị mụn do nội tiết tố mà chủ yếu do không biết chăm sóc da.
Theo chị Linh, ô nhiễm môi trường, khói bụi đang tàn phá làn da của mỗi người và dẫn đến tình trạng mụn trứng cá thậm chí ở tuổi 30 – 50 có rất nhiều. Nếu 5 năm trước, số người bị trứng cá ở tuổi này hiếm thì giờ đây nó tăng với cấp số nhân.
Theo chị Linh khi bị mụn nếu tự ý cạy nặn mụn, nhất là trong giai đoạn các tổn thương đang giai đoạn viêm nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ lan rộng các ổ viêm sang vùng da lành. Thêm vào đó dụng cụ nặn chưa vô trùng, nhiều người dùng tay nặn mụn... sẽ khiến mụn bị bội nhiễm sưng to hơn. Hậu quả sau này để lại là các vết sẹo thâm to trên mặt.
Đặc biệt, nhiều người sử dụng các loại kem trộn không rõ nguồn gốc trên thị trường, hoặc các loại chứa thành phần corticoid để trị mụn khiến da bị bào mòn, nhiễm coritcoid.
Chị Linh nhấn mạnh, không phải bị mụn chỉ cần bôi kem trị mụn chỉ giúp giải quyết những nốt mụn nổi trồi lên bề mặt da. Tuy nhiên, chị Linh cho rằng bôi kem có thể nhân mụn lặn xuống chứ không thể thoát ra ngoài. Đây chính là nguyên do khiến việc trị mụn kéo dài đằng đẵng và những nốt mụn ẩn sâu dưới da không thể được trị dứt điểm chỉ bằng một tuýp kem thoa ngoài da.
Khi bị mụn nên rửa sạch mặt trước khi đi ngủ, ngay khi ra đường về. Không tự ý cạy, nặn mụn. Trường hợp mụn mủ có thể bôi chế phẩm chứa kháng sinh, kháng khuẩn theo chỉ dẫn của thầy thuốc, có thể kết hợp với chế phẩm giảm sừng hóa, tan nhân mụn. Đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt điều đủ, ngủ đủ giấc, đúng giờ, hạn chế stress.

Ph. Thúy

Tin tức Dinh dưỡng - Làm đẹp được tổng hợp từ báo Infonet