Trong căn phòng thí nghiệm với những dụng cụ, bàn ghế đơn sơ, cũ kỹ và cả những đống vật liệu gang, nhôm có vẻ không liên quan gì đến những thứ mềm mại như xà phòng, hai cô sinh viên nhỏ nhắn đang hí húi pha pha, trộn trộn các nguyên liệu để tiếp tục làm ra mẻ xà phòng vỏ trấu mới.
Lê Thị Hằng (phải) và Trần Thảo Trang giới thiệu sản phẩm xà phòng đen.
Bắt đầu nghiên cứu làm xà phòng đen từ năm 2016 với 6 thành viên, sau đó một số sinh viên ra trường, đến nay, nhóm nghiên cứu còn 3 thành viên: Lê Thị Hằng, Trần Thảo Trang và Phạm Tiến Đạt, đều là sinh viên năm thứ 4, Khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội).
Lê Thị Hằng, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, ý tưởng làm xà phòng đen được bắt nguồn từ dự án làm than hoạt tính từ vỏ trấu của PGS.TS. Nguyễn Văn Tư, là cán bộ của Khoa Khoa học và Kỹ thuật vật liệu mà nhóm cũng được tham gia.
Mẫu mã, bao bì sản phẩm do nhóm tự thiết kế.
“Trong quá trình làm than hoạt tính từ vỏ trấu sẽ thải ra một loại nước tên là: Nước thủy tinh, có hàm lượng Na2SiO3 rất cao, nếu cho vào xà phòng thì có độ rắn sẽ tốt hơn là sử dụng nước bình thường, độ tạo bọt cũng ổn định. Điều quan trọng là, nước thủy tinh nếu thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng vì có hàm lượng xút nên khi sử dụng làm xà phòng sẽ hạn chế được điều này”, Hằng cho biết.
Sau khi phối trộn các nguyên liệu theo tỷ lệ hợp lý giữa các loại dầu nền, phụ gia và nước thủy tinh, nhóm sẽ đổ hỗn hợp đó vào khuôn, sau 2 – 3 ngày là xà phòng đóng bánh.
Trông bánh xà phòng xinh xắn như chiếc bánh trung thu.
Về ưu điểm của xà phòng đen, Hằng khẳng định: Vì sử dụng nước thủy tinh nên xà phòng đen không phải cho thêm chất tạo bọt, chất tạo độ cứng như các loại xà phòng công nghiệp khác. Xà phòng đen cũng là sự kết hợp của các loại dầu nền từ thiên nhiên như dầu dừa, dầu hướng dương, dầu ô liu thay vì sử dụng dầu ăn cấp thấp hoặc mỡ động vật và nhiều thành phần từ dầu mỏ như xà phòng công nghiệp.
“Tuy xà phòng có màu hơi khác biệt do nước thủy tinh có màu đen nhưng chất lượng thì rất ổn”, Hằng nói thêm.
“Với các sản phẩm công nghiệp, thường người ta đã tách hết các hoạt chất có lợi cho da để làm các loại mỹ phẩm cao cấp hơn nhưng xà phòng đen handmade của chúng em giữ lại hết những hoạt chất này. Chúng em còn cho thêm những phụ gia khác hoàn toàn từ thiên nhiên như: bột trà xanh, bột nghệ, bột quế, bột bạc hà,…”, Trang cho biết.
Chính vì không có chất bảo quản nên hạn sử dụng của sản phẩm chỉ được khoảng 6 tháng nhưng bù lại nó có tác dụng rửa sạch sâu bụi bẩn, chất nhờn và vi khuẩn,… “Sau khi sản phẩm ra mắt, mọi người sử dụng thử đều đánh giá sản phẩm có mùi hương dịu nhẹ (do chỉ sử dụng tinh dầu thay vì hóa chất tạo mùi), tạo bọt tốt, độ kháng khuẩn cao, làm mềm da tay và không gây kích ứng”, Hằng hồ hởi khoe.
Dù đạt được nhiều thành công trong quá trình nghiên cứu nhưng nhóm của Đạt, Hằng, Trang cũng gặp không ít khó khăn, nhất là về kinh phí nghiên cứu. Trong căn phòng thí nghiệm, mọi đồ đạc đều thô sơ, ngay cả khuôn để đổ xà phòng cũng được các bạn tận dụng từ… vỏ hộp sữa tươi. Hằng chia sẻ: “Sinh viên nghèo nên chúng em phải tiết kiệm nhiều khoản để mua nguyên liệu”.
Ngay khi tham gia nghiên cứu khoa học cấp khoa, đề tài “Xà phòng thiên nhiên sản xuất từ trấu” được đánh giá cao và giành giải Nhì tại cuộc thi nghiên cứu khoa học sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhóm nghiên cứu khi còn 6 thành viên nhận giải Nhì.
Tuy nhiên, Hằng cũng thừa nhận: Quá trình đưa sản phẩm ra thị trường gặp nhiều khó khăn do “chúng em là dân kỹ thuật khô khan nên quản lý kinh tế chưa tốt, chưa biết làm tiếp thị sản phẩm sao cho hiệu quả, sản phẩm chưa đồng đều, mẫu mã chưa bắt mắt do việc làm khuôn còn phụ thuộc nhiều vào kinh phí”.
“Mới đây, có một người bên Trường Đại học Dược muốn liên kết với nhóm để nghiên cứu thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng để cải tiến mẫu mã, chất lượng, từ đó tạo ra một dòng sản phẩm mới trên thị trường”, Hằng khoe.
Hy vọng, dự án khởi nghiệp này sẽ thành công để người tiêu dùng được tiếp cận với những sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe, vừa thân thiện với môi trường.
Khánh Nguyên